THIÊN ĐÀNG VÀ ĐỊA NGỤC Một trong những thành tố cơ bản của đức tin là quan điểm về thiên đàng, hoả ngục, và ngay cả luyện ngục. Quan điểm này ngày càng trở nên xa lạ và bị ngờ vực. Chết không phải là hết, đó là xác tín của đức tin Ki-tô giáo. Ngoài ra, đây cũng là niềm tin chung của nhân loại, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Một cách nào đó, con người biết rõ: còn có một cái gì thêm, còn có một cái gì hơn nữa. Điều đó có nghĩa là chúng ta có trách nhiệm trước Chúa, có nghĩa là có một toà án, có nghĩa là cuộc sống con người có thể được cứu rỗi hay bị hư mất. Liên quan tới việc được cứu rỗi, mà chúng ta ai cũng hi vọng đạt đến, dù mình vẫn còn nhiều thất bại, thì lửa luyện ngục đóng vai trò quan trọng. Nào ai trong chúng ta có được cuộc sống toàn hảo. Và hi vọng cũng không có nhiều người trong chúng ta hoàn toàn bị hư mất. Dù gặp nhiều thất bại, đa số chúng ta vẫn ao ước điều tốt. Chúa có thể đưa tay đón lấy bình vỡ và hàn gắn nó lại. Nhưng với điều kiện là ta phải có một sự thanh tẩy cuối cùng nào đó, tức là lửa luyện ngục; ánh lửa nhìn của Đức Ki-tô này, có thể nói, sẽ uốn ta lại cho đúng, và nhờ đó ta mới có thể gặp được Chúa, và có thể bước vào được trong nhà Ngài. Nghe ra vừa khiêu khích vừa cổ hủ. Tôi tin đó là một cái gì rất người. Có thể nói, ngay cả nếu không có luyện ngục thì cũng nên lập ra nó, vì ai dám bảo mình đã toàn hảo, có thể trực diện với Chúa. Và ta cũng chẳng muốn mình, nói như trong Kinh Thánh, là chiếc “bình bất hạnh” phải bị bỏ đi, nhưng muốn mình được cứu độ. Lửa luyện ngục thật ra có nghĩa là Chúa hàn gắn lại những mảnh vỡ, là Ngài có thể thanh tẩy ta thật sạch, để ta có thể tới được bên Ngài và có được một cuộc sống dư đầy. Còn các tín hữu Phật giáo hay Tin lành làm gì ở thế giới bên kia? Một vở kịch xưa của tiểu bang Bayern bảo rằng, dân Phổ có riêng một thiên đàng, bởi vì nếu không, thì thiên đàng của Bayern không còn là thiên đàng nữa. Tôi muốn nói rằng, với cái nhìn thật người, thì lửa luyện tội cũng giúp ta bỏ đi được các chủ trương cá biệt kiểu đó. Nó giúp ta quẳng đi những gì không kham nổi, và tẩy sạch những gì không thể chịu đựng, để trong ta chỉ còn hiện ra cái tâm trong sáng, và ta nhận ra rằng, tất cả mọi người đều thuộc vào một bản đại hoà tấu chung. Còn các Phật tử, họ quan niệm tất cả chỉ là khổ đau, nên cũng muốn bước ra khỏi bánh xe khổ đau của quá khứ, để bước vào một cõi không tinh tuyền, nhưng cõi không này, một cách nào đó, cũng không phải là hoàn toàn hư vô. Vì thế, dù với một lối diễn tả hoàn toàn khác ta, đạo đó cũng dạy một cái gì như hi vọng vào một hiện hữu tối hậu chân thực. Chúng ta chia sẻ với tín hữu tin lành niềm tin có thiên đàng và hoả ngục. Vì nhiều lí do, trong đó có giáo huấn về công chính hoá, nên họ đã không thể chấp nhận lửa luyện tội. Và có lẽ ta cũng chẳng nên tranh luận nhiều về chuyện này. Trên căn bản, mọi người chúng ta đều mừng, khi biết Chúa sẽ uốn nắn lại những gì ta không thể uốn nắn được. Cầu nguyện cho kẻ chết hẳn cũng bắt nguồn từ đó? Có một lực thôi thúc uyên nguyên nơi con người, khiến họ muốn làm một cái gì thêm cho người đã khuất, cũng như để nói lên tình yêu đối với người đó, nhất là khi họ cảm thấy mình có lỗi với người quá cố. Chúng ta tin rằng, mình còn có thể gởi một món quà sang bên kia thế giới cho người đã mất. Nếu chỉ có thiên đường và hoả ngục không thôi, thì điều đó quả vô nghĩa. Như vậy, cầu nguyện cho người chết hàm chứa nhận thức sâu xa, là ta còn có thể làm điều tốt cho họ. Và tôi tin rằng, cái khía cạnh rất nhân bản này chính là luyện ngục. Những người chết đang ở trong một tình trạng, mà lời cầu của ta có thể giúp họ. An-tịnh có lần phân biệt « tạo dựng ban đầu » và « tạo dựng tiếp tục ». Giáo Hội thì nói tới « chương trình cứu độ lớn của Chúa ». Như vậy, có nghĩa là trước sau Chúa vẫn ngồi trước tập sách của Ngài và viết tiếp trang lịch sử sự sống, hết chương này tới chương khác ? Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Ki-tô cũng có lần nói : « Cha Ta đã tác động, và Ngài vẫn luôn tác động ». Ngài dùng cả chữ « làm việc », vì Ngài được nói tới như một người làm công, và Ngài nói : Chúa đã làm việc và Ngài luôn còn làm tiếp. Điểm này hoàn toàn giống như điều chúng ta có thể thấy được trong khái niệm « Thiên Chúa sống động ». Chúa không rút lui. Trong Ngài, chỉ cần một nháy mắt là mọi sự đã có. Và mọi sự diễn ra không bao giờ như một bánh xe quay nhàm chán, mà trái lại, luôn tiếp diễn như một hiện tại sống động. Như thế, đúng là Chúa luôn hiện diện trong lịch sử. Lịch sử thâu tóm sự duy nhất của ý nghĩvà lời nói của Ngài, tắt lại, thâu tóm toàn bộ hiện tại của Ngài trong từng cấp phát triển của nó. Người ta cũng có thể nghĩ rằng, giờ đây, chính con người là kẻ viết tiếp chương tạo dựng. Bởi vì thiên nhiên cho tới nay đã cần hàng triệu năm để làm điều, mà ngày nay các nhà nghiên cứu di tử và các nhà hoạ mẫu sinh học, chỉ bằng qua một nháy mắt lịch sử, đã tạo ra nơi các loại thực phẩm và sinh vật mới. Việc ráp nối di tử đó dĩ nhiên là một vấn nạn lớn. Một mặt, đó là một cơ may. Nhờ đó, chúng ta đã tiến sâu vào cơ cấu uyên nguyên của sự sống, để có thể nhận ra được những mật mã, và có thể cùng cấu trúc hoặc ngay cả tái cấu trúc các di tử. Việc làm này tốt, bao lâu nó có tác dụng chữa lành và còn tôn trọng tạo dựng. Nhưng khi con người tin rằng, chính mình là tạo hoá, là thợ cấu trúc thế giới, lúc đó nó có thể trở nên kẻ phá hoại. Vấn đề quan trọng ở đây, là phải biến sự kính trọng trước những gì không được đụng đến thành một hiến chương cho mọi hành động con người. Ta phải biết, con người không thể và không được phép trở thành thí vật cho kế hoạch lắp ráp của chính con người. Ta phải ý thứcrằng, ngay khi bắt đầu lắp ráp là trong ta có thể đã manh nha tư tưởng muốn cai trị thế giới, và điều này đồng thời cũng có nghĩa là một tiềm năng phá hoại đã chớm nở. Con người không thể tạo ra một cái gì cả, nó cùng lắm chỉ có thể kết hợp một cái gì đó thôi. Với khả năng đó, nó có thể là một người giúp việc và bảo vệ khu vườn Thiên Chúa, bao lâu nó còn tỏ ra khiêm tốn và kính trọng đối với những ý nghĩđã có trong tạo dựng. Nhưng khi nó muốn làm tạo hoá, lúc đó tạo dựng sẽ bị đe dọa.
|